Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

THÔNG ĐIỆP TỪ CÕI VÔ HÌNH


Thông Điệp Từ Cõi Vô Hình
Lãnh vực “huyền bí” từ lâu vẫn luôn là những gì có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với bao người.  Khởi đầu với sự hiếu kỳ rồi dần tiến đến nổi đam mê và thật sự dấn thân trên con đường tu học lúc nào không hay.  Vì không được chuẩn bị kỹ lưỡng với các giáo lý căn bản về tâm linh học, đến khi được chứng nghiệm, tiếp xúc và va chạm với những thử thách từ thế giới bên kia, không ít người đã phải trả giá bằng những kinh nghiệm đầy đau thương và tủi hổ cho sự lãnh ngộ của mình.  Một số thì thối chí rút lui hoặc với tâm trạng nghi ngờ, một số vẫn còn hoang tưởng trong sự ngạo mạn, và một số khác thì được khai mở trí huệ, tiếp tục tinh tấn trên con đường nghiên cứu và tu học.  Thành hay bại một phần cũng do nhơn duyên và sự quyết tâm của mỗi người.  Không ai hay và cũng không ai dở mà chỉ có sự liễu ngộ trước hay sau.
“Thông Điệp Từ Cõi Vô Hình” là một trong những bản dịch rất giá trị trong lãnh vực tâm linh của cố Giáo sư Huỳnh Thanh Nhạn (cựu Giám học trường Gia Long, Saigòn trước 1975) và cũng không ngoài tâm ước được phổ biến rộng rãi đến các học viên. Rất tiếc người viết đã không tìm thấy phần ghi chú về nguồn gốc và tác giả của nguyên tác. 
Thiết nghỉ dây là một tài liệu rất xác thực và cũng là kim chỉ nam cho những ai đã và đang dự tính bước chân vào thế giới huyền vi. 
Thông Điệp Từ Cõi Vô Hình
“Nhiều thông điệp từ cõi vô hình đã làm hoang mang một số người đang tập tành tìm học về Huyền Bí, nhất là khi các thông điệp dường như có tính cách riêng tư.  Người nhận tưởng mình được ưu ái đặc biệt, người gởi dường như khuyến khích cái cảm tưởng đó.
Tôi đã biết một trường hợp mà một cá nhân cứ được mách trong đầu rằng ông ta đã là Nã Phá Luân trong kiếp trước, đã nên Thánh trong thời gian gần đây.  Người ấy còn bảo hiện giờ bao quanh mình ông toàn là Thần linh và lâu lâu lại được Chúa Giê-su hiện đến thăm.  Trường hợp này hết sức điển hình.  Người nhận các thông điệp như vậy đáng thương hơn đáng trách, đáng thương hại là vì họ tưởng các lời phỉnh bợ kia là sự thật, rồi họ sẽ hành động khác thường làm cho những người chung quanh xa lánh họ vì cái bất bình thường của họ.
Đó là tôi chưa nói đến những trường hợp mà người nhận thông điệp là người trong giới chúng ta, người chỉ mong có dịp để làm việc, để giúp đời, để lấy cái kinh nghiệm học hỏi.  Những sự kiện này rất nguy hiểm.  Ta sẽ bị phỉnh mà không hay.  Kẻ vô hình sẽ tự xưng là Bồ-tát, họ nhìn nhận ta là người lớn căn; họ sẽ cho biết chỉ có ta là xứng đáng cộng tác với họ để làm lợi cho vũ trụ.  Đây là lúc ta cần đến sự sáng suốt, một sự tối cần cho người muốn tìm học siêu hình.  Ai ai cũng tin rằng những gì Thầy bảo đều là hay, điều tốt cho ta.  Đã là Thầy, thì Họ biết thật nhiều, họ biết vô cùng.  Và họ cũng thật tâm muốn dẫn dắt ta.  Nhưng họ cũng phải biết môn đệ của họ có khả năng học hay không.  Cứ nhắm mắt tin bừa bãi là không xứng đáng học trường huyền bí, một trường chuyên biệt đòi hỏi sự sáng suốt, sự suy luận và trí phán đoán.  Nếu người học nặng óc mê tín, dị đoan, chỉ mong có người nói ra để mà tin và để làm theo thì tốt nhứt là nên rút lui, vì trường này không dạy được con voi ăn thịt.
Tôi đã biết nhiều người hành động rất ngông cuồng, chỉ vì tin rằng mình khác thường thiên hạ, rằng mình có căn tu, rằng mình hưởng rất nhiều ân huệ của Bề Trên.  Hãnh diện biết bao khi được bảo rằng ta là đệ tử quý nhứt của một Đại Bồ-tát, hay của một lực siêu phàm nào. Nên nhớ, dù ta có bước được nửa bước vào lớp tâm linh học, ta cũng chưa khác đồng loại của ta đâu.  Nếu ta đã học thật nhiều, đã đọc sách thật nhiều về các Thầy và các đấng vô hình đáng được tôn thờ, về các hiện tượng đã xảy ra trong môn học này, ta tất phải biết các đấng ấy không lựa người đặc biệt tốt để dạy như ta nghỉ.  Đối với một vị Bồ-tát, tất cả chúng sanh đều đáng được giúp đở, và họ dạy ta theo trình độ hiểu biết của từng người.  Lúc này còn quá sớm để tôi bàn với các bạn về căn bản thuận lợi cho sự cảm thông, sự tiếp xúc trực tiếp với cõi vô hình.  Đừng tưởng anh X hay anh Y không nghe được lời nói, không nhìn thấy vô hình, là những người thiếu căn cơ đáng tội nghiệp.  Nên biết rằng ai ai dưới trần này cũng đang học, cũng đang được hướng dẫn bằng cách này hay cách khác.
Hiện giờ, nếu ai có thật sự để tâm vào môn học, nếu đã có nghiên cứu chương trình, tất cũng biết rằng các Thầy ít bao giờ thuyết giảng với từng cá nhân một.  Bài giảng của Đức Phật cũng đã gởi đến hàng triệu người, bài giảng của Chúa Giê-su cũng đã có lớp lớp chúng sanh đến dự.  Các Thầy của chúng ta có trả lời những câu hỏi có ý thức.  Và muốn có những câu hỏi đó, muốn được dạy thêm, ta phải có óc tìm hiểu, phải có óc thắc mắc, phải nghe thật nhiều, đọc sách thật nhiều, suy gẫm thật nhiều.  Phải tự đặt cho ta những bài toán càng lúc càng khó, phải để công sức ra mà giải quyết, khi nào cần mới có sự giúp đở.  Câu hỏi nào cũng được trả lời bằng cách này hay cách khác, nếu là câu hỏi đó có ý thức và sự trả lời là để ta thêm tiến bước.
Không phải riêng ta, mà tất cả đều được hướng dẫn.  Phật đâu có bảo triết pháp của Ngài để cho hạng người này mà phải dấu hạng người kia?  Tất cả đều được nghe, được xem, được nghiên cứu và thi hành.  Và chỉ thi hành khi nào ta thật hiểu thấu đạo và nhứt là chỉ khi nào chính ta, ta chấp nhận là đúng. Chỉ hành sau khi đã rõ, đó là quan trọng.  Không phải hành vì đó là lời của Đức Thích-Ca, là sự mong muốn của Chúa Giê-su, là lời răn của Đấng Allah.
Có những dữ kiện không còn hạp với ta 2,000 năm sau khi các bậc Thầy kia mong dẫn dắt nhân loại.  Không phải họ dạy sai.  Họ chỉ dạy con người của một thời đại.  Những căn bản, những nguyên lý thì bất biến.  Từ khi tôi có hiểu biết hơn về nguyên lý Siêu Hình, tôi đã hiểu Thánh kinh của Thiên Chúa giáo hơn, hơn cả thời kỳ tôi có bổn phận dẫn dắt tinh thần cho các con chiên Thiên Chúa.  Tôi đã thấy rõ những cái sai lầm của các bản dịch sau này từ các ngôn ngữ cổ xưa.  Là vì người dịch đã dịch với trí thức, với tinh thần của người ở thời đại này mà không thông hiểu, chưa học qua cách sống, cách suy nghỉ của đồng loại từ Chúa Giê-su giáng phàm dạy đạo.  Thiên hạ đã học Thánh kinh từ 2,000 năm nay, ít ai đã hiểu nó theo tinh thần của người giảng dạy.  Bao nhiêu cái đẹp, cái hay trong đó, tôi tưởng chỉ có minh triết Đông phương mói thấm nhuần và thưởng thức.
Đối với các người đang muốn bước vào trường Tâm linh, tiện đây tôi đưa ra những cách đơn giản để theo.  Cách dễ nhất là nên gần những người đang đi, hoặc đã đi trên con đường đó.  Cách thứ nhì là phải đọc thật nhiều sách.   Đọc tất cả, phân tách tất cả.  Kinh nghiệm của bản thân tôi do cách thứ hai: đọc sách và nghiền gẫm.. Tôi đã may xem được quyển “The Occult World” (Thế Giới Huyền Bí) của Sinnett, năm 1882.  Tiếp theo  tôi đọc quyển “Esoteric Buddism” (Mật Tông Phật Giáo) cũng của Sinnett.  Nhờ các sách đó mà tôi mong biết hơn nữa, học hơn nữa về vấn đề tâm linh.  Tôi đã không ngại đi tận nguồn, tận ngọn các tài liệu để học hỏi.  Sau đó tôi từ chức Giám mục của tôi trong nhà thờ Anh Quốc để có ngày giờ nghiên cứ thêm về một môn học đã làm cho tôi say mê.  Tôi sang Ấn Độ để được dẫn dắt bởi những người đã qua con đường Tâm linh học.
Đó là hai cách dễ nhứt: đọc sách, nghe ngóng.  Cách thứ ba được nói trong các sách Đông phương là cách phát triển trí thức bằng cách hết tâm suy nghỉ về một vài nguyên lý căn bản.  Ít có người đạt tới mức.  Trong các pháp Đông phương cũng còn dạy rằng, phải hành thiện thật lâu để mở tâm, rồi sẽ đến con đường mở trí.  Cứ vững dạ tin vào cái tốt, và hết lòng hành cái thiện thì ánh sáng sẽ soi đường.  Tin rằng chúng sanh đều có cái lóe sáng của Thượng Đế; cái lóe sáng đó chính nó sẽ thúc đẩy con người tìm cho đến được cái sáng của Cội Nguồn.  Con đường ta chọn để đi có thể dài hay ngắn.
Dù sao, được ở trong Hội này, Hội tìm hiểu Tâm linh, ta nên mừng rằng ta đã may mắn.  Ta cứ tin rằng cái duyên này là kết quả của hành động ta từ nhiều kiếp trước.  Trong bao kiếp qua, có lẻ ta đã mong muốn được học môn này mà không có dịp nên kiếp này ta được thỏa mản.  Ta có quyền hãnh diện, nhưng đừng tưởng được nhập vào Hội là đủ.  Được vào đây là lúc phải làm việc, phải phát triển cái trí cho cùng tận.  Cái khó là lúc này, lúc được nhập vào Hội.  Trước khi trở thành một người hoàn toàn như các Thầy ta là người hoàn toàn, nói theo Ấn Độ giáo hay Phật giáo, trước khi đắc đạo, ta phải là một người trí tuệ sáng suốt, một đại triết gia, một đại khoa học gia, một đại nghệ sĩ.  Hoặc ta phải phát triển tâm bi, phải vị tha, thương người như thương mình, phải có cái hy sinh siêu phàm.  Trước khi đắc đạo, ta phải học tất cả, hiểu tất cả, hành tất cả.  Đó là một công trình vĩ đại.  Nó cho ta hiểu nghĩa chữ Luân Hồi, tại sao ta cần chuyển kiếp, tại sao ta không nên bỏ lở một cơ hội nào để học hỏi khi mang được kiếp người.
Ta bắt đầu chương trình bằng khoa học tâm linh là một sự may mắn, tôi lập lại.  Chính sự hiểu biết nguyên lý này sẽ làm cho các lớp học tiếp theo dễ dàng hơn.  Như vậy con đường của ta sẽ thâu ngắn.  Ai ai rồi cũng sẽ đắc đạo.  Ai ai rồi cũng đuợc về với ánh sáng Thượng Đế, chỉ có khác là kẻ đi mau, người đi chậm.  Vì ai ai cũng phải học đủ các môn, dù bắt đầu có lựa môn này hơn môn khác.  Một đứa bé đến trường phải học sinh ngữ, học toán học, sử địa v.v.  Nó sẽ thích toán, và sẽ phát triển hơn các bạn về môn toán.  Những đứa trẻ khác sẽ phát triển hơn về sinh ngữ, về địa lý, rồi thì sau sẽ học toán, học sử sau.  Ta không thể nói đứa nhỏ giỏi toán tiến hóa hơn các các bạn học sử, hoặc các em học sử tiến hóa hơn những đứa học điạ.  Là vì rồi chúng cũng phải học giỏi đủ các môn mới mong ra trường.  Ta cũng vậy.  Đừng bao giờ đứng trong cửa trường này mà khi dễ các người khác chưa để chân vào.  Tôi nhắc lại, ta cùng đồng loại đều nhắm về một điểm sáng để mà đi và rồi ai ai cũng sẽ đến.  Chúng ta có thể may mắn hơn được học môn mày trước.  Tôi nói ”học trước” là vì rồi tuần tự môn nào mình cũng phải thông suốt.  Đây chỉ là cái may mình phải lợi dụng và tỏ ra xứng đáng.
Có những người đang trên đà học hỏi, thình lình gặp phải một vài thử thách tự nhiên bị chồn chân rồi bỏ dở.  Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp đáng buồn.  Dù sao, cái hiểu biết họ thâu lượm được trong thời gian trước, có lúc họ sẽ dùng trở lại.  Nhưng sự dang dở làm cho thoái hoá không ít.  Những thí dụ như vậy báo nguy cho chúng ta.  Nên nhớ rằng cái may mắn này cũng nhờ sự khó nhọc của ta từ các kiếp trước.  Ta nên lợi dụng nó triệt để.  Nên sáng suốt và bình tỉnh đối với một môn học khó nhứt chương trình.  Nhiều người đã hiểu lầm những ấn chứng; nhiều người đã nhận được các thông điệp có tính cách cá nhân, có tính cách khen tặng, tâng bốc.
Phải tập lý luận.  Phải biết nghi ngờ: “Có phải đây là hoang đường? Việc này vô lý, làm sao có thể như vậy được?…”  Phải suy nghỉ, phải phân tách, phải cân nhắc, phải bình tỉnh.  Nhớ ta là ta, không phải là một siêu nhân chỉ vì có một siêu nhân bảo vậy.  Sau khi đã đắn đo suy nghỉ, nếu thấy còn điều gì chưa sáng tỏ, nên trình bày cho người trong Hội.  Nguy hơn nửa, khi thông điệp không là sự phỉnh nịnh, mà lại là một lời hăm dọa:  ”Nếu không tuân sẽ có tai họa xảy đến…”  Nếu ta bình tỉnh, không có sự hăm dọa nào bắt ta phải làm sai với lương tâm của ta.  Hành động vô lý, thiếu suy nghỉ chính là tai họa đó.   Tôi biết những trường hợp đáng buồn vì có người đã hành như loạn trí.  Các bạn cứ tưởng các bạn không đến nổi như thế, nhưng những người đã loạn trí cũng tưởng là họ không đến nổi như vậy.
Để kết luận, tôi nhắc lại lời của Đức Thế Tôn nói với môn đệ:  “Này Kalamas, con nghi ngờ là đúng, con thắc mắc là đúng.  Phải thắc mắc vì chuyện đáng nghi ngờ.  Nhưng này Kalamas, khi tự tin, chính con đã nhận ra rằng: Các thuyết đó sai lầm và bị gạt bỏ bởi những người minh triết.  Nếu theo nó, chấp nhận nó là đi đến sự dữ và sự phiền não, thì này Kalamas, hãy bỏ nó qua một bên, dù con đã có nghe qua về nó, dù nó trong tập truyền dân chúng, dù nó được phần đông chấp nhận, dù nó có đưuợc ghi trong các sách kinh, dù bề ngoài nó xem chừng như phản ảnh khoa học, dù diễn giả rất ư là cảm kích, dù người đưa thuyết đó là thầy của con.  Và ta nói với con như thế này nửa: Kalamas, khi nào tự con, chính con biết rằng các thuyết đó đúng, hợp lý, được kẻ minh triết công nhận và khen tặng, và khi nào hành theo chúng sẽ mang lại lợi ích và hạnh phúc, thì này Kalamas, con hãy chấp nhận chúng và sống theo chúng; chứ không phải vì chúng theo tập truyền xa xưa, không phải vì chúng được nhiều người công nhận, không phải vì chúng được ghi trong các thánh kinh, không phải vì chúng phỉnh nịnh ý kiến riêng tư của con, không phải vì chúng xem chúng như phản ảnh khoa học, không phải vì diễn giả đã cảm kích con, không phải vì người đưa thuyết đó ra là thầy của con”
Sau cùng, đây là một vài lời khuyên vàng ngọc chúng ta nên lấy làm khuôn, khi nào gặp sự thử thách mà ta dường như muốn sa ngả cũng vì cái ngạo mạn của cái “ngã” trong ta.  Này các môn đệ, hãy nhớ rằng:  Cái hố ngăn cách kẻ tội lỗi với người thiện lành sâu thật.  Nó còn sâu hơn nữa, giữa người có trí thức và người thiện lành.  Tuy vậy, nó còn thâm thẩm giữa người thiện lành và người đang vào cửa Thiêng Liêng.  Bởi vậy, các con thận trọng đừng bao giờ tưởng là mình đặc biệt, riêng rẽ với chúng sanh.”
                                                                                                        

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét