Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

THỬ THÁCH TRONG TÂM LINH

“Sự vật trong đời, không bao giờ ngẫu nhiên mà có cũng không bao giờ ngẫu nhiên mà không.  Có hoặc không chỉ là cái quả, nguyên nhân nó hoặc gần hoặc xa, chắc chắn là phải có.  Có biết đặng nguyên nhân,  mới biết được sự việc.  Óc nhân quả rất cần để suy tư cho tới nơi tới chốn, rất cần trong khi nghiên cứu triết học.
Nhân không phải dễ tìm, nó ở đủ mọi phương, không chỉ riêng có một hướng.  Cho nên phải tìm nguyên nhân và nguyên nhân…cho đến tận cùng.  Cái học vượt thời gian, không gian để tìm nguyên lý duy nhất và căn bản của sự vật.  Đó là cái học thuộc về siêu hình.”
Để giúp cho sự vận hành của vũ trụ, âm và dương là hai yếu tố không thể thiếu được, cũng như thiện và ác là hai điều kiện cốt yếu cần phải có để duy trì trật tự và đời sống tâm linh của con người.
“Thiện cũng như ác, tốt cũng như xấu và chánh cũng như tà đều là hai mặt của một sự kiện tuy đầy mâu thuẫn nhưng không thể rời nhau.  Trong thiện có ác, trong ác có thiện và người ta không thể tiêu diệt một thứ mà không đụng chạm đến phần kia vì tất cả đều là một.”
Vì không thấu hiểu được điều này, con người hay sanh tâm phân biệt là thường dùng thành kiến sai lầm của mình, một sự thiếu hiểu biết trên căn bản của nguyên tắc siêu hình, để phán xét một sự kiện huyền bí hay những hình thức thị hiện của bề trên - một sự thể hiện đầy ẩn ý thâm sâu trong mục tiêu giảng dạy đạo lý cho con người, hay cũng gọi là “phương tiện”.  Những thử thách đưa ra từ thế giới bên kia còn là một hàng rào cản trở và lựa chọn những hành giả đi trên con đường tu học tâm linh.
Nhìn về quá khứ xa xưa, hãy xem những thử thách và cám dỗ của thế giới vô hình đối với các đấng giáo chủ của các tôn giáo lớn ra sao?
Nơi phương Tây, trước khi chúa Jesus ra hành đạo, 40 ngày nơi sa mạc Ngài đã bị ma quỉ thử thách bằng đủ mọi cách cho đến cuối cùng Quỷ vương (Satan) đã dùng quyền lực thế gian để cám dỗ Ngài như sau:
“Bấy giờ, Đức Thánh Linh đưa đức Chúa Jesus đến nơi đồng vắng, đặng chịu ma quỉ cám dỗ…
Ma quỉ lại đem Ngài lên trên núi rất cao, chỉ cho Ngài các nước thế gian, cùng sự vinh hiển các nước ấy, mà nói rằng:  Ví bằng người sấp mình trước mặt ta mà thờ lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thẩy mọi sự này.  Đức Chúa Jesus bèn phán rằng:  Hỡi quỉ Satan, ngươi hãy lui ra!  Vì có lời chép rằng:  ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời người, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi (Phúc Truyền 6:13).
Nơi phương Đông, Đức Phật Thích Ca đã chiến thắng vượt qua cám dỗ sắc dục cuối cùng của Ma vương trong ngày thứ 49 dưới cây Bồ Đề để trở thành bậc vô thượng chánh đẳng chánh giác.
“…
Khi Ma vương thất bại trở về, thì bàn tính với ba người con gái rằng: Ta quyết đem binh khí đến hại Thái Tử, mà người vẩn không có chút gì nao núng, ta lại biến hóa đủ phép thần kỳ mà cũng không đánh đổ đặng.
 - Các con hãy hóa-trang và ăn mặc cho thật đẹp, xuống cõi Diêm-phù-đề, gặp sa-môn dòng Sakya đang ngồi nhập định dưới cội cây pippala gần thành-phố Gaya, ra tài múa hát, trêu chọc, khêu gợi dục tình, khiến cho hắn mất hết thần-thông, không thể thành đạo vô thượng có hại cho chúng ta.
Ma vương nói rồi, thì ba người con gái đều vâng lời sửa soạn ra đi.  Người thứ nhất tên là Tanha (Ái Dục), người thứ hai tên là Arati (Bất Mãn) và người thứ ba tên là Raga (Tham Vọng), đều hóa ra ba nàng tiên nữ tuyệt đẹp, hình dung yểu điệu, nhan sắc tươi xinh, thiết tưởng trong thế gian xưa nay chưa hề có.
Ba nàng cùng nhau đi đến chổ Thái Tử ngồi, trước giả đem hoa tốt hương thơm dâng cúng, rồi sau lần lần lộ vẻ yêu kiều để trêu ghẹo.  Ngờ đâu Thái Tử tâm trí vững bền như núi Tu Di, không có chút gì lay động. 
Lúc ấy ba nàng Ma nữ lại càng tỏ thói phong tình, cạn lời hoa nguyệt, cố ý cám dỗ chờ Thái Tử động tâm, mà ngài vẫn cũng tự nhiên và đáp lại rằng:
- Các ngươi đã trồng căn lành nhiều đời, nay được làm thiên-nữ, hưởng phước báo nơi cõi trời, sao không nhớ thân này là vô thường, có ngày hoại diệt, còn có thái-độ vô lễ đối với ta? Thân hình tuy đẹp mà tâm bất chính có khác chi cái túi da  đựng đồ nhơ bẩn, lại đây làm chi, hãy đi đi, ta không dùng.
Thái Tử nói rồi liền lấy tay chỉ ba nàng Ma nữ, tức thì ba nàng ấy đều hoá ra mụ già, da nhăn, tóc bạc, thân thể lỏa lồ xấu xa nhơ nhớp…”
Sự thành tựu vượt qua hết các thử thách và hàng phục ma quỉ đã làm tăng thêm giá trị và uy tín của hai Ngài trên con đường cứu thế và giáo hoá chúng sinh.
Mỗi người mỗi kiếp sống và tất cả đều cùng trãi qua những thử thách khác nhau.  Không ai thành đạt mà không gian khổ vì gian khổ là quá trình trui luyện để tiến đến thành công.
Đối với hàng giáo chủ thì có sự thử thách theo cấp bậc của giáo chủ, còn đối với các tu sĩ thì cũng có thử thách theo cấp bậc của tu sĩ.
Câu chuyện “Ngư Tinh” dưới đây cũng không nằm ngoài sự thử thách của thế giới tâm linh.
Ngư Tinh là câu chuyện hoàn toàn có thật đã xảy ra trong giới Tăng Già Khất Sĩ tại miền Tây nước Việt vào những năm đầu tiên của thập niên 60 do sư Giác Minh (sư hiện đang cư ngụ tại miền Nam California) thuật lại vào năm 1994 tại Anaheim, CA.
Danh sư lẫy lừng Hà Tiên Trấn,
Trấn áp Ngư tinh chẳng vẫy vùng.
Mượn xác giai nhân hằng cơm nước,
Dở chước yêu xưa, gạ đến cùng!
Chuyện xảy ra tại tỉnh Hà Tiên, miền Tây nước Việt vào năm 196., nói về một nhà sư tên là Giác Yên lập nguyện toạ thiền sáu năm (không nằm) và chỉ ăn vật thực do người mang đến.  Cùng lập nguyện với vị sư nầy có hai sư đồng môn khác, và sư Giác Minh là một trong 3 người.
Sư Giác Minh cho biết (qua kinh nghiệm của chính bản thân): “Những ngày đầu tiên thật là khổ sở vô cùng, lưng đau mỏi mệt chỉ thèm ngã lưng nằm xuống dù chỉ trong một chút là đã lắm rồi, nhưng rồi mọi người cũng vượt qua với bao cố gắng và quyết tâm”.
Sáu năm trời thấm thoát trôi qua.  Đến ngày mãn nguyện thì sư Giác Yên lại lập nguyện thêm sáu năm nữa, và lần này khó khăn hơn chẵng khác gì nhập thất, sẽ tịnh khẩu và chỉ ăn rau cải mà thôi.  Trong suốt mười hai năm tu tập, cơm nước hằng ngày được một bé gái trong làng gần đó mang đến.  Sư Giác Minh cho biết lúc ban đầu cô bé khoảng 9 tuổi.
Ngày tháng trôi qua cùng với bao sự kính phục của chư tăng và dân cư trong làng.  Danh sư Giác Yên vang dội khắp nơi.  Và cuối cùng ngày trọng đại đã đến, đó là ngày kết thúc 12 năm dài lập nguyện của sư.  Mọi người đều hoan hỉ tổ chức đại lễ chúc mừng sư.  Đúng vào ngày này, sư Giác Yên đã thỉnh nguyện chư tăng xin được hoàn tục để cưới cô gái nay đã 21 tuổi.
Sư Giác Minh cho biết:  “Tin sư Giác Yên xin hoàn tục để lập gia dình như sét đánh ngang tai, làm cho mọi người bàng hoàng thất vọng”.  Vì giáo luật Phật giáo không cấm tu sĩ hoàn tục, nên thỉnh nguyện của sư Giác Yên được chấp thuận.  Mọi người đều than tiếc cho công trình tu tập khó nhọc của sư.  Tuy nhiên hôn lễ của ông đã bị khước từ không cho tổ chức tại chùa nên phải cử hành tại chân núi.
Vào đêm động phòng, ông đã bị cô gái đá tung ra ngoài với một sức mạnh khủng khiếp làm bể tung cả ván phòng, và việc yêu quái đã diễn ra làm náo động dân làng.
Được tin cấp báo, sư Giác Minh cùng với một số sư trong chùa vội vã đến xem.  Khi đến nơi, mới biết cô gái đang bị yêu nhập, sư Giác Minh đã dùng phép Phục Ma Trượng để trục xuất yêu tinh.  Bị khuất phục, yêu tinh trong xác cô gái lộ hình như một con cá nằm trên đất, miệng trào nước dãi, hai chân thì vẫy qua vẫy lại hai bên như đuôi cá.
Bị tra hỏi, thì yêu nhập cho biết:  “Ta vốn là Ngư tinh sống hai ngàn năm dưới biển, thường hay lên bờ nhập phá dân làng.  Điều ta khiếp sợ nhất là gặp phải sư Giác Yên vì công phu tu tập của ông ta quá thâm cao.  Chỉ một cái nhìn của ông ta đã khiến ta xuất khỏi xác.  Chính vì oán thù này, ta đã từng tìm đủ mọi phương cách để hảm hại.  Và cuối cùng ta đã dùng nữ sắc qua xác cô gái để lung lạc và phá hoại đạo hạnh của hắn, và ta đã thành công”.  Nói xong, Ngư tinh đắc thắng cười vang.  Sư Giác Minh cho biết trước khi xuất khỏi xác cô gái, Ngư tinh còn tiến tới đánh một bạt tay vào mặt ông Giác Yên trước sự chứng kiến đông đảo của dân cư trong làng.  Bởi hôn sự đã hoàn thành, nên ông ta phải cùng cô gái chung sống đời thế tục.
Sau dữ kiện này thì hầu như mọi người biết đến đều cho rằng: “Hễ tu càng cao thì dễ bị ma quỷ khảo đảo càng dữ.”  Để rồi những người còn lại đều trở nên thận trọng và e dè hơn trước nữ sắc.
Nói chung, tu sĩ cũng chỉ là người bình thường như bao người khác, ngày nào còn mang thân tứ đại và chưa thật sự liễu ngộ về vô thường, và hạ quyết tâm trên con đường giải thoát thì ngày đó vẫn còn luôn đối đầu trước cám dỗ và sự đòi hỏi tự nhiên của thân xác.
Ngẫm nghĩ lại câu chuyện trên, tuy sư Giác Yên đã không đủ căn duyên đi hết trên con đường đạo nhưng ông đã có một sự quyết tâm thật can trường, và đã thật sự sống với lý tưởng của mình.  Duyên đạo đã hết thì dứt khoát cởi bỏ tăng y trở về kiếp sống phàm nhân để tránh phạm bởi những điều có thể làm nhơ danh giáo hội về sau. 
Thất bại của một người cũng là bài học đáng giá cho những người theo sau. 
Ngư tinh có thật hay không?  Xin để mọi người suy nghiệm về ẩn ý tác động của thế giới siêu hình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét